Bảo mẫu, trẻ con và mẹ
Chuyện bảo mẫu hành hạ các em bé trong nhà trẻ dường như đã thành phổ biến trong mấy năm gần đây. Xã hội bức xúc. Nhưng có lẽ lỗi không chỉ ở các cô giáo ấy…
Dĩ nhiên, các cô bảo mẫu phải chịu trách nhiệm trong việc mình hành hạ những đứa bé. Nhưng nghĩ kỹ lại, các phụ huynh thử ngẫm xem, nếu là bản thân các vị được giao chăm giữ cùng lúc mấy chục em nhỏ như thế, các vị có dám chăm giữ? Bản thân tôi thú thật là không dám.
Các vị phụ huynh chắc cũng không khác gì tôi, cũng từng “vật vã” với đứa bé do mình sinh ra, và chắc nhiều vị cũng có lần quá bực mà đánh con vài cái cho nó vâng lời. Xin nhớ lại đi, chắc chắn là có. Nhưng cha mẹ đánh thì nhẹ thôi, sau đó lại ôm hôn, dỗ dành, rồi mẹ và con lại cười tíu tít bên nhau, coi như chẳng có việc gì. Tôi nhớ tuổi thơ của tôi cũng từng bị đòn, má tôi dạy bằng lời không được thì đành đét mấy cái vô mông, xuýt xoa tí chút, nhưng rồi ngoan hơn, và mẹ con vẫn hạnh phúc tưng bừng. Thế nên người ta không lên án đó là bạo hành.
May sao, tôi “rèn” con tôi chừng 2 năm thì nó ngoan hẳn, đến 3 tuổi khi vào nhà trẻ thì nó đã rất ngoan nên được cô thương. Cô thường nói: “Con của chị là tụi em khỏe nhất đó. Giờ ăn, giờ ngủ bé tự động giải quyết, chẳng đợi cô kêu. Cưng ghê luôn”.
Cho nên, ở đây so sánh với việc các cô bảo mẫu chăm con mình, quý phụ huynh thử xét xem có mức độ thông cảm nào chăng? Cô không sinh ra đứa bé nên sự chịu đựng của cô khó mà như mẹ ruột. Và mấy chục đứa quấy quả như thế, sự chịu đựng của cô có quá tải hay không? Cùng một lúc đút cơm cho cả chục đứa, tay cô cứ thoăn thoắt, miệng cứ liên tục dỗ dành. Rồi bé này tè trong quần chưa kịp rửa nước đã đến bé khác hét lên vì ướt… Cô xoay như chong chóng. Có bé thực sự rất khó tính, ăn gì cũng phun ra, giờ ngủ thì nghịch phá bạn bè… Khi các bé khóc và giành đồ chơi thì ôi thôi náo loạn cả phòng, cô phải xử lý mệt kinh khủng. Suốt từ sáng tới chiều như thế, ngày nào cũng thế, cô nào chịu không nổi, hoặc cộc tính chắc chắn sẽ quất thẳng tay. Thế là sinh ra bạo hành.
Tôi từng đứng rất lâu quan sát phòng giữ trẻ, và tôi lắc đầu tự nhận mình không làm nổi. Chính vì vậy khi tôi đón con về, tôi thường nói lời cảm ơn với cô bảo mẫu. Ngược lại, cô cũng nói lời cảm ơn với tôi vì con tôi đã ngoan, đỡ cho cô sự vất vả.
Vậy thì, các bậc phụ huynh ơi, chúng ta trước hết phải tự “cứu” con mình bằng cách rèn luyện con vào nề nếp, đỡ làm người khác căng thẳng. Dĩ nhiên, con nít là phải quấy, nhưng xin thưa, cũng rèn được hết. Nếu không được 100% thì ít nhất cũng được 50%, đủ để biết vâng lời cô giáo. Từ 12 tháng tuổi bé đã bắt đầu nhận biết hiệu lệnh và bắt đầu biết vâng lời. Rèn dần tới 2 tuổi thì đã có nề nếp cơ bản trong ăn, ngủ, chơi, báo đi tiêu. Bao nhiêu đó đủ cho cô bớt mệt rồi. Thế làm sao cô đánh cháu được. Còn lại chút ít quấy quả thì cô vẫn còn sức chịu đựng mà dỗ, mà chăm.
Thực sự các gia đình hiện nay rất ít con, thậm chí con một, nên cưng chiều hết mực. Bé không vâng lời thì cũng cười khì cho qua. Ai mà dạy bé thì cha mẹ lại xót ruột ngay. Cho nên bé quen như thế, bước vào nhà trẻ với tất cả hành vi y như ở nhà. Đôi khi còn phản ứng mạnh hơn ở nhà nữa, vì cô giáo là người lạ. Thế là xung đột xảy ra giữa cô và bé. Mà xung đột lại khiến bé càng hoảng sợ, càng phản ứng mạnh hơn. Vấn đề ở đây là phụ huynh cứ nhất mực đòi cô giáo phải giải quyết tất cả thói tật của bé, tưởng cô là “tiên” hay sao, trong khi bản thân mình không giải quyết được.
Vì vậy, rút kinh nghiệm, ngoài việc đòi hỏi cô bảo mẫu phải có đầy đủ đức tính dịu dàng, nhân hậu, không được bạo hành trẻ, phụ huynh cũng nên tự “bảo vệ” con mình bằng cách rèn luyện cho nó ngoan một chút. Cũng như muốn công an đừng thổi phạt mình thì trước hết mình phải đi đúng luật cái đã. Chừng nào mình làm đúng mà họ vẫn làm sai thì mình mới kiện họ được. Đứa bé nào ngoan ngoãn vẫn được yêu mến, không lo. Đừng để sự cố xảy ra với con, dù cô bảo mẫu bị ở tù đi nữa thì con mình vẫn bị tổn thương suốt đời.
Diệu Kim