Giữ trẻ khổ trăm bề
Phụ huynh la mắng, học sinh khó tính, thời gian làm việc quá nhiều… là những áp lực đè nặng lên thể lực, tâm trí của giáo viên mầm non.
Chia sẻ nỗi vất vả nghề nghiệp, một giáo viên mầm non ở quận Cầu Giấy, Hà Nội ví von “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Lớp có hơn 80 bé, ban ngày 4 cô “xoay vần” với các con, tối về cơm nước cho gia đình xong còn phải soạn giáo án, làm đồ dùng học tập, soạn sổ sách… đến tận 23 giờ mới có thể đi ngủ. Những áp lực thường xuyên này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe cô giữ trẻ.
Áp lực nặng nề
Chị Hà Thanh Phương – giáo viên một trường mầm non công lập ở quận Hoàn Hiếm, Hà Nội – tâm sự: “Cả ngày chăm lo cho các con ở lớp, trong khi con mình chẳng có người lo. Nghĩ đến mà thương đứt ruột”.
Theo chị Phương, đặc thù của giáo viên mầm non là phải biết đủ mọi lĩnh vực, từ múa, hát, vẽ tranh, đọc truyện cho đến nấu ăn, giặt giũ, dọn vệ sinh… Hằng ngày, các cô phải dành toàn bộ thời gian cho việc chuẩn bị và giảng dạy, gần như không còn thời gian lo cho gia đình. “Sáng sớm đi, chiều muộn mới về nhà, con mình cũng đi học mà hầu như không đón được ngày nào. Con tan lớp phải tự đi bộ về trường nơi mẹ dạy chờ đưa về, ngày mưa cũng như ngày nắng” – chị Phương kể.
Khối lượng công việc lớn, thế nhưng mức lương của giáo viên mầm non rất thấp. Với thâm niên gần 10 năm đi dạy, cô giáo này nhận khoảng 3,2 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, cô được nhận thêm một khoản nhỏ tiền hỗ trợ chăm sóc các cháu nhưng không đáng kể.
Nhưng dù sao, đời sống của giáo viên ở các trường công lập còn “khá” hơn các trường tư rất nhiều. Một chuyên gia giáo dục mầm non cho hay những giáo viên này đang bị vắt kiệt sức với khối lượng công việc khổng lồ. Họ phải làm thay công việc của cả bảo mẫu và người giúp việc. “Tôi biết học phí của nhiều trường tư khá cao, từ 2-3 triệu đồng/tháng/cháu nhưng chế độ ưu đãi dành cho giáo viên lại rất thấp, mỗi tháng các cô chỉ nhận được 2-3 triệu đồng. Đó là chưa kể nhiều trường còn đặt ra những quy định khắt khe để tìm sai sót trừ lương giáo viên” – chuyên gia này nhìn nhận.
Giảm tải cho giáo viên
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định chỉ khi giảm tải thực sự cho giáo viên mầm non thì mới mong giảm được những hành vi bạo hành trẻ. Bà Chung Bích Phượng – Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú,TP HCM – cho biết trong các chuyên đề giảng dạy về đạo đức của người giáo viên mầm non, bà luôn nhắc các cô điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Nhưng hiện nay có quá nhiều áp lực từ công việc, phụ huynh, nhà quản lý, dư luận xã hội… đã tác động đến hành vi của giáo viên mầm non.
Chị Thanh Hương – giáo viên một trường mầm non quốc tế tại quận 1, TP HCM – kể: Không ít trường hợp trẻ được phụ huynh chiều chuộng quá nên khi đến trường rất khó thích nghi với các bạn cùng lớp. “Từng có cháu quát tháo, sai bảo cô giáo vì nghĩ cô như người giúp việc ở nhà. Có phụ huynh chỉ cần nhìn thấy vết muỗi đốt trên tay con là hôm sau đến trường la ầm lên. Giáo viên vừa giải thích với phụ huynh vừa phải giải trình với nhà trường. Có những tình huống rất ấm ức, rất khó chịu nhưng mình phải chấp nhận” – chị Hương nói.
Lý giải cho những vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mèo Con (quận 7, TP HCM), cho rằng chỉ khi nào giảm tải được cho giáo viên mầm non một cách triệt để, mỗi giáo viên chỉ phụ trách 5-7 trẻ thì mới mong giáo viên làm hết trách nhiệm đối với trẻ. “Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp đến giờ giải lao của trẻ, có cô chạy vội xuống căng tin ăn miếng bánh mì. Chưa kịp ăn thì các cháu khóc inh ỏi lại phải chạy lên lớp. Gặp hiệu trưởng thông cảm với giáo viên thì không sao, gặp người khắt khe là lôi ra la mắng, khiển trách” – bà Vân chia sẻ.
Nghĩ đến mà chảy nước mắt
Nói về công việc của mình, chị Nguyễn Xuân Hoa – giáo viên một trường tư thục đóng tại quận Ba Đình, Hà Nội – rưng rưng nước mắt. Nhiều phụ huynh thực sự không coi trọng giáo viên, nghĩ dạy mầm non là suốt ngày chỉ có ăn ngủ, hát múa, thậm chí là tắm rửa cho trẻ. Họ đâu biết các cô phải lo từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh lớp học, chuẩn bị các hoạt động giáo dục để dạy cho trẻ những kiến thức và kỹ năng sống.
“Có hôm các con trong lớp trêu chọc để lại vết cào trên tay nhau. Phụ huynh đến lớp nhìn thấy mắng ngay cô giáo, nghĩ cô đánh con mình nên gặp hiệu trưởng yêu cầu kỷ luật giáo viên. Dù các cô không đụng đến học trò, thế nhưng vẫn phải nài nỉ, xin lỗi phụ huynh. Những lúc ấy thấy mình còn kém hơn cả ôsin” – chị Hoa nói.
Y.Anh
Theo NLĐ