Huyện miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non

Huyện miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non

Nhờ tập trung đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trên địa bàn, đến nay, huyện Sơn Hà đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 năm.

Đây là 1 trong 3 huyện, thành phố (Mộ Đức, Lý Sơn và Sơn Hà) của Quảng Ngãi được công nhận hoàn thành phổ cập mầm non và là huyện miền núi đầu tiên của tỉnh. Kết quả này là động lực rất lớn để Sơn Hà không chỉ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non mà còn ở tất cả các bậc học khác.

Trường mầm non Hoa Mai, ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà vừa được đầu tư xây dựng mới với tổng kinh phí trên 4,7 tỷ đồng. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học, vui chơi cho các cháu được trang bị đầy đủ và hoàn thiện hơn. Nếu như trước đây, trường chỉ dạy một buổi trong ngày thì nay trường đã nhận dạy bán trú cho trên 120 cháu. Bà Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Mai cho biết: Khi chưa có bán trú thì tỷ lệ trẻ ở đây suy dinh dưỡng 15-16%, giờ có bán trú rồi nên tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 10%.

Chị Đinh Thị Tình, phụ huynh học sinh chia sẻ: “Trước kia do trường không đảm bảo chất lượng ăn uống cho con nên tôi không dám gửi con cả ngày. Nhưng nay thì không chỉ việc ăn uống mà cả học, chơi, ngủ nghỉ, vệ sinh cũng tốt nên phụ huynh chúng tôi yên tâm gửi con để đi làm cả ngày”.

Cũng như trường mầm non Hoa Mai, Trường mầm non 17/3, ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà giờ đã đủ năng lực để dạy bán trú cho 10 lớp, với trên 300 cháu. Để có được kết quả như hiện nay, ngoài việc đầu tư của huyện trên 5,5 tỷ đồng để xây dựng 2 dãy nhà mới thì nhà trường cũng chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách tổ chức nhiều cuộc thi và thường xuyên bồi dưỡng giáo viên của trường.

Bà Trần Thị Thúy Kiều – Hiệu trưởng trường mầm non 17/3, cho biết: Nhờ sự quan tâm của huyện và Phòng giáo dục đầu tư mà trường đã xây dựng được nhiều phòng học, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Vì vậy nhà trường có điều kiện để nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc nâng cao trình độ của giáo viên thông qua các hội thi của trường cũng như ngành.

Bên cạnh việc đầu tư cho các hoạt động xóa đói giảm nghèo, đời sống dân sinh thì việc chăm lo cho giáo dục luôn được huyện Sơn Hà quan tâm, đồng thời xem đây là nhiệm vụ lâu dài và cấp thiết. Do vậy, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các chương trình 30a, 135, huyện đều bố trí kinh phí xây dựng trường, lớp học mầm non trên địa bàn. Tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được đến trường, 3 năm trở lại đây, huyện đã đầu tư kinh phí trên 15 tỷ đồng xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học. Năm 2015, huyện tiếp tục đầu tư 7 tỷ đồng để xây dựng trường mầm non Sơn Giang và Sơn Hạ.

Ông Nguyễn Hữu Liệu, Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Sơn Hà, cho hay: Mục tiêu chung của huyện sau khi đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non là tiến tới giữ vững chuẩn này ở tất cả các địa phương trên địa bàn, thực hiện một cách căn cơ đối với những điểm trường lẻ, đảm bảo tốt nhất cho việc bán trú cho các cháu.

Ông Nguyễn Ngọc Tựu, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Các trường học mầm non trên địa bàn huyện đảm bảo về cơ sở vật chất. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100% và tất cả các cháu được học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi học chuyên cần đạt 100%. Bộ thiết bị dạy học đảm bảo đáp ứng theo yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non mới. Đội ngũ giáo viên có trình độ đạt và trên chuẩn.

Việc hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi là tiền đề rất lớn để không chỉ tạo điều kiện cho Sơn Hà nâng cao chất lượng ở các bậc học khác mà còn góp phần vào việc nâng trình độ dân trí và nhất là thay đổi nhận thức của người dân miền núi về vai trò của giáo dục. Đó cũng chính là động lực để thúc đẩy, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi Sơn Hà./.

“MẦM NON TUỔI THƠ - Nơi bắt đầu của những tài năng tương lai

— Nguyễn Ngọc Tân

Không có bình luận nào.

Để lại lời nhắn

Xóa toàn bộ nội dung tin nhắn